null Tọa đàm: “Thực trạng giảng dạy tiếng Anh tại bậc đại học và cơ hội hợp tác giữa các trường đại học của Hoa Kỳ và của Việt Nam trong việc giảng dạy tiếng Anh”

 

Tọa đàm: “Thực trạng giảng dạy tiếng Anh tại bậc đại học

và cơ hội hợp tác giữa các trường đại học của Hoa Kỳ và của Việt Nam

 trong việc giảng dạy tiếng Anh”

 

Sáng ngày 12 tháng 10 năm 2016, tại Học viện Chính sách và Phát triển đã diễn ra buổi tọa đàm: “Thực trạng giảng dạy tiếng Anh tại bậc đại học và cơ hội hợp tác giữa các trường đại học của Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc giảng dạy tiếng Anh”. Hội thảo do Thạc sĩ Tân Anh - Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Học viện Chính sách và Phát triển và bà Julie Haun - Giám đốc Trung tâm đào tạo tiếng Anh (Intensive English Languages Center) , Đại học Portland (Portland State University), Hoa Kỳ đồng chủ trì với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên tiếng Anh đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Vinh và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

            Mục tiêu của buổi tọa đàm là nhằm tạo cơ hội cho các thành viên thảo luận, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về trách nhiệm của các nhà quản lý và giảng viên dạy tiếng Anh; những thành tựu đạt được; những thách thức, khó khăn đối với việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc đại học. Từ đó đưa ra những đề xuất, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy - học tập tiếng Anh và hoạt động hợp tác phát triển ở bậc đại học.

            Buổi tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều thông tin hữu ích, những kinh nghiệm quý báu từ các đại biểu. Các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh đã chia sẻ về những thành công mà các chương trình giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học đã gặt hái được trong những năm vừa qua như đổi mới chương trình, xây dựng giáo trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam có sử dụng các nguồn tham khảo quốc tế (Đại học Hà Nội); áp dụng chiến lược giảng dạy Think-Pair-Share hiệu quả (Đại học Vinh); tổ chức thi phân loại đầu vào và áp dụng chuẩn đầu ra, đồng thời kết hợp các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ tiếng Anh, các cuộc thi năng lực tiếng nhằm kích thích tình yêu đối với môn học của sinh viên (Học viện Chính sách và Phát triển); thử nghiệm lồng ghép hoạt động mentor (sinh viên khóa trước kèm khóa sau- sinh viên giỏi giúp sinh viên yếu hơn) vào chương trình giảng dạy của Nhà trường (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội); cho phép sinh viên được tự tìm nguồn tài liệu, tự thiết kế bài tập, tự sáng tạo các hoạt động trong lớp học dưới sự giám sát và hướng dẫn của giảng viên (Học viện Báo chí và tuyên truyền) và nhiều hoạt động bổ ích khác.

Đồng thời các giảng viên cũng đề cập tới những khó khăn và thách thức gặp phải trong quá trình thiết kế, tổ chức và giảng dạy tiếng Anh. Thạc sĩ Lê Ngọc Diệp - Trưởng bộ môn tiếng Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã nêu ra hai khó khăn lớn nhất trong việc giảng dạy tiếng Anh trong các trường đại học Việt Nam, đó là việc sinh viên thiếu động lực, hứng thú học tiếng Anh và trình độ không đồng đều của sinh viên trong các lớp học. Các nhà quản lý và chuyên gia đã bàn luận sôi nổi và đưa ra một số giải pháp đã được áp dụng thành công tại một số trường. Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhân Hòa – Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất tổ chức thi phân loại đầu vào ngay đầu mỗi học kỳ để phân loại sinh viên theo đúng trình độ của mình. Ngoài ra, cần phải khuyến khích sinh viên rèn luyện tinh thần tự học. Tiếp sau đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hường - Cán bộ phòng Đào tạo, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm đã được áp dụng thành công ở Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là khuyến khích giảng viên thiết kế bài giảng trực tuyến và tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo về việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy ngoại ngữ với mục tiêu tạo thêm hứng thú cho sinh viên trong quá trình học. Đến từ Trung tâm giảng dạy tiếng Anh của đại học Portland, Hoa Kỳ, bà Julie Haun người có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý nhấn mạnh đến việc mời các chuyên gia từ các trường đại học đầu ngành đến hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảng dạy tiếng Anh.

            Kết thúc buổi tọa đàm, Thạc sĩ Tân Anh phát biểu tổng kết nội dung từ các diễn giả, khẳng định buổi tọa đàm đã diễn ra thành công và hy vọng buổi tọa đàm hôm nay là tiền đề để tạo ra mạng lưới kết nối giữa các trường đại học với nhau nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh ở bậc đại học.

Nguồn tin và hình ảnh: Khoa Ngoại ngữ, HV CS&PT

Một số hình ảnh tại Buổi tọa đàm

 

Không khí tại buổi tọa đàm

 

Bà Julie, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tiếng Anh, ĐH Portland State, Hoa Kỳ

 

ThS. Trần Thị Quỳnh Lê, Phó trưởng Khoa Tiếng Anh Sư phạm, ĐHNN-ĐHQGHN

 

TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Khoa Tiếng Anh,

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

ThS. Nguyễn Thị Lan Hường, Chuyên viên Phòng Đào tạo, ĐHNN-ĐHQGHN

 

Th.S. Lê Ngọc Diệp, Trưởng Bộ môn Tiếng Anh không chuyên,

ĐH Kinh tế Quốc dân

 

Ảnh thảo luận tại buổi tọa đàm

 

Ảnh chụp tập thể lưu niệm

Nguồn: Khoa Ngoại ngữ