- content:
Ngày 09/8/2023, Khoa Kinh tế tổ chức thành công Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của hai chuyên ngành: Chuyên ngành Đầu tư và Chuyên ngành Đấu thầu và quản lý dự án.
Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo (CTĐT) do TS. Nguyễn Thế Vinh – Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển làm Chủ tịch hội đồng. Bên cạnh đó, tham gia Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo, quản lý và giảng dạy, bao gồm: TS. Vũ Thị Minh Luận – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Chính sách và Phát triển; ThS. Lê Văn Tăng – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu; ThS. Nguyễn Ngọc Thắng – Công ty Quản lý tài sản – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ThS. Trần Thị Ninh - Giảng viên Khoa Kinh tế - Học viện Chính sách và Phát triển - thư ký hội đồng.
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa Kinh tế trình bày trước Hội đồng nội dung CTĐT và Chuẩn đầu ra của Chuyên ngành Đầu tư; TS. Đỗ Kiến Vọng – Phó Trưởng khoa Kinh tế trình bày toàn bộ nội dung CTĐT và Chuẩn đầu ra của Chuyên ngành Đấu thầu và quản lý dự án.
Cả 2 CTĐT Đầu tư và Đấu thầu và quản lý dự án với khối lượng 128 tín chỉ trong đó kiến thức chuyên ngành chiếm 87 tín chỉ và thời gian đào tạo từ 3,5 đến 4 năm. Một số điểm khác biệt của CTĐT mới năm 2023 so với CTĐT năm 2021 bao gồm:
Về mục tiêu: Bổ sung kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu và quản lý dự án để phù hợp với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu và quản lý dự án;
Chuẩn đầu ra: xây dựng theo thang Bloom cấp độ 1 – 6 để phù hợp với mục tiêu đào tạo;
Về ma trân liên kết với mục tiêu và chuẩn đầu ra: Xác định rõ sự đóng góp cụ thể của từng môn học và mức độ đóng góp theo thang Bloom của từng môn học tham gia vào việc đạt chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo để tạo tính logic và tính liên kết chặt chẽ;
Thay đổi 1 số môn học (chuyển khối ngành, bổ sung, lược bỏ) để đáp ứng tốt hơn về CĐR kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp;
Đề cương các học phần được bổ sung cập nhật tài liệu giảng dạy, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra đào tạo, đặc biệt bổ sung thời gian tự nghiên cứu ở các môn học góp phần giúp sinh viên chủ động tiếp cận môn học tốt hơn.
Các thành viên hội đồng đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho chương trình, về nội dung cũng như kết cấu chương trình đào tạo. TS. Vũ Thị Minh Luận góp ý nên bổ sung môn học về kỹ năng ra quyết định và kỹ năng đàm phán vì đây la những kỹ năng quan trọng đối với nhà đầu tư. ThS. Nguyễn Ngọc Thắng có ý kiến cân nhắc việc triển khai hợp tác với các công ty chứng khoán, các cơ quan quản lý về hoạt động đầu tư để mở các cơ sở thực hành tại cơ sở đào tạo, giúp sinh viên có không gian thực hành nghề nghiệp, nhằm tăng tính hướng nghiệp trong chương trình đào tạo. ThS Lê Văn Tăng cho rằng tên CTĐT là Đấu thầu và Quản lý dự án nên cần phân bổ lại các môn học trong chương trình cho phù hợp vì hiện tại đang nhiều môn về Đấu thầu.
Bên cạnh đó, các thành viên trong hai nhóm rà soát CTĐT cũng đã trao đổi và đưa ra các giải trình cho CTĐT được Hội đồng thẩm định nhất trí cao.
Kết thúc buổi làm việc, TS. Nguyễn Thanh Bình thay mặt 2 nhóm nghiên cứu cảm ơn các chuyên gia trong Hội đồng thẩm định đã đến đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đưa vào triển khai CTĐT chất lượng hơn. Tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong Hội đồng đã được hai nhóm nghiên cứu tiếp thu, làm cơ sở hoàn thiện CTĐT để CTĐT sớm được ban hành và áp dụng từ Khóa 14.