null Ngày Quốc tế Hạnh phúc

content:

Hôm nay (20/3) là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Thông điệp của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay là "Hạnh phúc cho mọi người".

Tại nước ta, sẽ có nhiều sự kiện được tổ chức nhằm nêu gương người tốt, việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, khuyến khích hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Kể từ năm 2012, Liên hợp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 được tạo ra với mục đích gắn kết mọi người, không phân biệt về quốc gia, chủng tộc, hay văn hóa. Hạnh phúc vì thế không chỉ nằm trên khái niệm mà đến từ chính những hành động nhỏ của mỗi người.

Trước đó, tháng 6/2012, ngày Quốc tế Hạnh phúc được Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon chính thức công bố tại Hội nghị của LHQ. Đây là một dịp quan trọng để tôn vinh giá trị của hạnh phúc và nhấn mạnh ý nghĩa của nó đối với cuộc sống con người. Đồng thời, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm tăng cường nhận thức về hạnh phúc.

Lý do LHQ chọn ngày 20/3 bởi đây là một ngày đặc biệt trong năm. Vào ngày này, Mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên độ dài của ngày và đêm bằng nhau. Điều này biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực.

Ý tưởng về ngày hạnh phúc được lấy cảm hứng từ Bhutan - một quốc gia nhỏ bé nằm giữa dãy Himalaya. Bhutan là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đặt sự hạnh phúc của công dân lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các chỉ số kinh tế khác.

Chính phủ Bhutan đã đưa ra khái niệm Gross National Happiness (Tổng hạnh phúc quốc gia hoặc Tổng hạnh phúc nội địa) vào những năm 1970 và đề xuất phải đo lường, tối ưu hóa hạnh phúc của nhân dân bằng cách xem xét nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ riêng vấn đề tài chính. Các yếu tố này bao gồm sức khỏe, giáo dục, môi trường, văn hóa và mối quan hệ xã hội.

Theo VTV Online