null Hội thảo quốc gia: Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần thứ 3

content:

Sáng ngày 21/03/2024, Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần thứ 3" do Học viện Chính sách và Phát triển đồng phối hợp với Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Thương Mại tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo

Đến dự Hội thảo có PGS.TS. Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, TS Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, PGS. TS. Hà Văn Sự - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại. Tham dự Hội thảo còn có các thầy cô là lãnh đạo đại diện cho các đơn vị và các nghiên cứu sinh, các em sinh viên của Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thương mại; các vị khách mời đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Toulouse (Pháp), Học viện Tài chính, Công ty Insight Data.

PGS.TS. Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo

Đại diện 3 đơn vị đồng tổ chức Hội thảo

Nối tiếp thành công của Hội thảo “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số” lần 1 và lần 2, ba đơn vị gồm: Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thương mại tiếp tục phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần thứ 3”. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các giảng viên và các lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm về phát triển các công cụ định lượng trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong bối cảnh cả nước đang đang hòa mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu của Hội thảo lần này là góp một phần công sức giúp thực hiện thành công quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hội thảo được diễn ra với 1 phiên toàn thể và 3 phiên song song:

Phiên toàn thể gồm 02 báo cáo mời của TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê về đo lường kinh tế số và báo cáo của GS. Christine Thomas-Agnan, Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole, Cộng hòa Pháp đã trình bày về chủ đề phân tích dữ liệu đa hợp với ứng dụng cụ thể là mô hình thống kê đánh giá mối quan hệ giữa đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng lãnh thổ.

TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê về đo lường kinh tế số

GS. Christine Thomas-Agnan, Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole, Cộng hòa Pháp

Phiên song song thứ nhất: Nghiên cứu định lượng các vấn đề kinh tế - xã hội để đưa ra các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển cho Việt Nam do TS. Đàm Thanh Tú – Học viện Chính sách và Phát triển làm chủ toạ.

Phiên song song thứ hai: Nghiên cứu định lượng về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, marketing, du lịch tại các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số do PGS. TS. Đào Thị Thanh Bình – Trường Đại học Hà Nội làm chủ toạ.

Phiên song song thứ ba: Phân tích, dự báo các vấn đề kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ AI và dữ liệu lớn do TS. Vũ Thị Huyền Trang – Trường Đại học Thương mại làm chủ toạ.

Sau gần 4 giờ làm việc tập trung và hiệu quả, các báo cáo được trình bày tại Hội thảo được đánh giá được chuẩn bị chu đáo, có giá trị về nội dung học thuật, đa dạng hóa các công cụ mô hình và có ý nghĩa thực tiễn. Các bài báo cáo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm giúp các nhà khoa học phát triển những hướng nghiên cứu tiếp theo.

TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo

Hội thảo “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần thứ 3"  diễn ra thành công với sự đóng góp ý kiến, quan điểm, mong muốn của các nhà nghiên cứu kinh tế đến từ các nhà trường, tổ chức thương mại trong và ngoài nước đã làm rõ nhiều khái niệm về phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số. Đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiếp theo giữa Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thương mại và các đơn vị khác.

Tin: TTTT,TV&TT