Hội thảo “ Chiến lược chăm sóc sau đầu tư – Giải quyết những khiếu nại thắc mắc của nhà đầu tư nước ngoài”
Thực hiện chương trình hợp tác giữa Học viện Chính sách và Phát triển và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), sáng ngày 25 tháng 03 năm 2014 tại Hội trường lớn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tòa nhà D25, đường Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Khoa Kinh tế Đối Ngoại và Phòng Khoa học Hợp tác của Học viện Chính sách và Phát triển đã phối hợp với các chuyên gia của KOICA tổ chức thành công hội thảo: Chiến lược chăm sóc sau đầu tư – giải quyết những khiếu nại, thắc mắc của nhà đầu tư nước ngoài. Giới thiệu phân tích hoạt động thanh tra đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình xúc tiến đầu tư, đồng thời cũng giới thiệu cơ chế giải quyết các khiếu nại, thắc mắc và thanh tra, giám sát đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại Hàn Quốc và đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam trong quá trình tạo điều kiện và giải quyết các thắc mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại.
Đến tham dự buổi hội thảo, có đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…, về phía KOICA có Phó Trưởng đại diện, các cán bộ và chuyên gia KOICA tại Việt Nam, về phía Học viện có PGS, TS. Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cùng với các cán bộ, giảng viên, các em sinh viên Khoa Kinh tế Đối ngoại của Học viện.
Hình: PGS, TS. Đào Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Mở đầu buổi hội thảo, PGS, TS. Đào Văn Hùng đã phát biểu khai mạc và nêu rõ vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. PGS, TS. Hùng cũng đã đánh giá cao các hoạt động của tổ chức KOICA tại Việt Nam, trong thời gian qua Học viện Chính sách và Phát triển đã phối hợp với KOICA thực hiện thành công dự án điều tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Hình: Quang cảnh buổi hội thảo ngày 25/03/2014
Tiếp theo là bài trình bày của Chuyên gia Roh Young Guhk với chủ đề: Chiến lược chăm sóc sau đầu tư – giải quyết những khiếu nại, thắc mắc của nhà đầu tư nước ngoài. Giới thiệu phân tích hoạt động thanh tra đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, với kinh nghiệm làm việc gần 30 năm tại Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Tổ chức Xúc tiến Du lịch Busan, Chuyên gia đã chia sẻ các hoạt động chăm sóc sau đầu tư trong khuôn khổ hoạt động Xúc tiến đầu tư, trong thực tế đã chứng minh rằng tiềm năng của các nhà đầu tư hiện tại lớn hơn so với các nhà đầu tư tương lai, cụ thể ở các nước nước phát triển chiếm tới 70% đầu tư có liên quan đến các cơ sở đầu tư hiện có và các dự án lớn, chiến lược nhất trên toàn cầu là kết quả của hoạt động mở rộng đầu tư. Một trong chức năng cũng như chiến lược của chăm sóc sau đầu tư trong xúc tiến đầu tư là giải quyết khiếu nại, thắc mắc của các nhà đầu tư hiện tại, các khiếu nại hay thắc mắc thường gặp của nhà đầu tư liên quan tới các thủ tục ưu đãi đầu tư, lao động, hải quan, tài chính và ngoại hối, nhập cư và điều kiện sinh hoạt của nhà đầu tư. Đồng thời, cũng giới thiệu kinh nghiệm quốc tế và cơ chế của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ giải quyết khiếu nại, thắc mắc trong chương trình xúc tiến đầu tư FDI đối với các nhà đầu tư.
Hình: Chuyên gia Roh Young Guhk trình bày tại hội thảo
Ngoài ra, bên cạnh việc chăm sóc sau đầu tư và giải quyết các khiếu nại, thắc mắc cho nhà đầu tư thì vấn đề thanh tra giám sát hoạt động đầu tư cũng rất quan trọng, đây là giải pháp cho cơ chế khiếu nại, thắc mắc của nhà đầu tư. Chuyên gia Roh Young Guhk đã giới thiệu hệ thống thanh tra, giám sát của Hàn Quốc, cơ quan này cũng được một tổ chức của Nhóm Ngân hàng thế giới (MIGA) đánh giá là ví dụ thực tế tốt nhất trong hệ thống của MIGA trên toàn thế giới và được khuyến nghị chuẩn hóa tới các quốc gia thành viên. Cùng với giới thiệu cơ quan thanh tra đầu tư nước ngoài ở cấp quốc gia, Chuyên gia cũng giới thiệu cơ quan thanh tra tại các địa phương và khu vực kinh tế tự do và quá trình giải quyết khiếu nại của các nhà đầu tư tại Hàn Quốc.
Kết thúc bài trình bày, Chuyên gia Roh Young Guhk cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về cơ chế và thể chế liên quan tới chăm sóc sau đầu tư cần được cũng cố, đồng thời đề xuất hệ thống giải quyết khiếu nại, thắc mắc cần được xây dựng kỹ lưỡng hơn cụ thể cần phải có nhân lực và ngân sách, các cơ quan này cần tự chủ, độc lập và lãnh đạo có quyền lực trong giải quyết và quyết định các chính sách, cơ chế thanh tra giám sát đầu tư liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài.
Hội thảo tiếp tục nghe bài trình bày của Th.S Đỗ Văn Sử- Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài -Cục Đầu tư nước ngoài với chủ đề “Thực trạng cơ chế giải quyết khiếu nại và tranh chấp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Nội dung giới thiệu các cơ sở pháp lý, cơ chế và mô hình của các cơ quan trong việc giải quyết các khiếu nại và tranh chấp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết các khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan liên quan, cần tiếp tục khắc phục các điểm hạn chế tồn tại để tăng sự hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Hình: Th.s Đỗ Văn Sử trình bày tại Hội thảo
Cuối buổi hội thảo là phần thảo luận sôi nổi giữa chuyên gia, khách mời, giảng viên và các em sinh viên. Buổi hội thảo kết thúc lúc 12h00 cùng ngày./.