null Không lo nợ công nếu sử dụng hiệu quả vốn vay

- Các chỉ tiêu về giới hạn nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn cho phép, quan trọng là sử dụng hiệu quả vốn vay.

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tại Hội thảo “Xác định phạm vi nợ công, trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014-2020” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 13/11, tại Hà Nội.

Nợ công của Việt Nam có cao?

 

Hội thảo “Xác định phạm vi nợ công, trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014-2020”. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Thứ trưởng Thu cho rằng từ khi có Luật Quản lý nợ công 2009 đến nay, công tác quản lý nợ công của Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nghị quyết số 10/2013/QH13 của Quốc hội quy định đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công đến cuối năm 2014 khoảng 60,3% GDP và dự kiến đỉnh nợ sẽ vào năm 2016 với khoảng 64,9% GDP.

Trình bày báo cáo của nghiên cứu, TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính Tiền tệ, Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) đã đánh giá tổng quát về mức độ an toàn nợ công của Việt Nam hiện nay có mức độ “rủi ro vỡ nợ thấp”(low risk of debt distress) nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nên triển vọng là “không bền vững”.

Đề xuất về ngưỡng nợ công và trần nợ công, TS Nguyễn Thạc Hoát cho rằng: Hiện tại không có bộ tiêu chuẩn chung về ngưỡng an toàn nợ công để áp dụng cho tất cả các nước. Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện tại chỉ đưa ra một số chỉ tiêu đánh giá mức độ rủi ro của nợ nước ngoài chứ không phải toàn bộ nợ công. Khi tỷ lệ nợ công/GDP ≤ 68% thì nợ công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của chính sách tài khóa. Khi tỷ lệ này lớn hơn 68% thì nợ công sẽ làm giảm động lực đầu tư phát triển, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm khả năng trả nợ và mức độ an toàn của nợ công. 
Còn TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Tuy nợ công ở Việt Nam so với các nước trong khu vực thuộc lại cao, nhưng so với thế giới khá thấp, chưa đạt mức trung bình và rất thấp so với các nước phát triển.

Quan trọng là dùng vốn vay thế nào

Đưa ra các khuyến nghị, TS Nguyễn Thạc Hoát cho rằng: Ngưỡng nợ công tối ưu và trần nợ công an toàn chỉ là điều kiện cần để đảm bảo an toàn của nợ công, chất lượng nợ là điều kiện đủ để đảm bảo mức độ an toàn của nợ công. Cần đảm bảo sử dụng nợ công hiệu quả để phát huy vai trò đòn bẩy tài chính cho tăng trưởng, hạn chế được gánh nặng nợ công trong những năm tiếp theo. Cần phải chủ động dự phòng đối với các khoản nợ bất khả kháng, bao gồm nợ ngầm định và nợ bất thường nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và an toàn nợ công.

Có cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, quản lý nợ công có nhiều bài học đắt giá, vấn đề không phải tỷ lệ nào mà sử dụng vốn nợ công thế nào có hiệu quả không. Ví dụ, nợ công chỉ đáng lo ngại nếu vay nợ 5 đồng làm ra 3 đồng, còn nếu vay 3 đồng mà làm ra 5 đồng thì  "chẳng có gì lo ngại”.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, rủi ro nợ công còn bị ảnh hưởng bởi vấn đề khác là nợ xấu ngân hàng, tác động nợ xấu vào nợ công rất lớn. Do đó nếu xử lý triệt để được nợ xấu thì kinh tế tăng trưởng cao trở lại thì nợ công không đáng lo.

Dưới góc độ ngân hàng, TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, kinh tế một quốc gia với các yếu tố liên thông, tác động lẫn nhau như tăng trưởng GDP, cân đối thu chi Ngân sách, cán cân thanh toán… Điều này không khác mấy so với doanh nghiệp, nếu sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng trưởng tốt thì không đáng lo ngại về khả năng trả nợ và ngược lại. Các chính sách trong vấn đề chi tiêu ngân sách đó là các tác động trực tiếp lên an toàn nợ công. Quan trọng là hiệu quả, cần phải giải phóng tư duy trong việc giải quyết nợ xấu, không có gì không “phải trả giá”.

Việc xử lý nợ xấu đóng vai trò quan trọng đến an toàn nợ công và phải xử lý quyết liệt đồng bộ, một mình ngân hàng không thể làm được. Nếu để tình trạng vấn đề nợ xấu dai dẳng, không xử lý sớm thì cơ hội tăng trưởng vươn lên khó khăn.

Huy Thắng

Nguồn: chinhphu.vn