null Làm việc với trường Đại học Middlesex, Anh quốc

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế là hướng đi chiến lược của Học viện Chính sách và Phát triển (APD) ngay từ khi thành lập trường, nhằm đẩy mạnh vị thế Nhà trường trong nền giáo dục nước nhà và thắt chặt tình hữu nghị với các trường quốc tế. Chiều ngày 21/12/2016, Học viện đã tiếp đón và trao đổi về cơ hội phát triển chương trình liên kết đào tạo 3+1, cùng các chương trình học bổng với đại diện trường Đại học Middlesex, Anh quốc (MDX) tại phòng họp Học viện, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.

  
Buổi làm việc dưới sự chủ trì của TS. Đào Hoàng Tuấn – Phó trưởng Khoa (Phụ trách Khoa) Đào tạo Quốc tế và ThS. Phạm Hoàng Cường – Giảng viên khoa Đào tạo Quốc tế. Về phía trường MDX có bà Karen Yong, trưởng Đại diện Khu vực Đông và Nam Á, cùng ông Dương Trần – Đại diện tuyển sinh MDX tại Việt Nam.

 

Mở đầu buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu một cách khái quát về lịch sử phát triển Nhà trường và của Khoa Đào tạo Quốc tế, chương trình đào tạo, nghiên cứu và cùng trao đổi những thông tin cơ bản về định hướng phát triển, điều kiện học tập, làm việc, đặc biệt là những nội dung thuộc lĩnh vực liên kết hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo; chương trình trao đổi sinh viên 3+1 (3 năm tại APD, 1 năm tại Anh). TS. Đào Hoàng Tuấn nhấn mạnh đẩy mạnh hợp tác và liên kết quốc tế là hướng đi của Khoa Đào tạo Quốc tế, theo đúng định hướng của Ban Giám đốc và Đảng ủy học viện. Hiện tại, Khoa Đào tạo Quốc tế đã đạt được thỏa thuận liên kết 2+2 với Purdue University, Hoa Kỳ và đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để ký kết thỏa thuận liên kết 3+1, nhằm mở rộng hơn nữa các sự lựa chọn du học cho sinh viên của Khoa. Đối với chương trình trao đổi sinh viên 3+1, TS. Đào Hoàng Tuấn đề xuất hai trường cùng xem xét khả năng mở rộng, tập trung vào hai khối ngành Chất lượng cao mà Khoa Đào tạo Quốc tế đang đảm trách là Kinh tế Đối ngoại (International Business) và Tài chính (Finance).

Đáp lại, bà Karen tin tưởng vào sự thành công của chương trình 3+1, bà nói: “Chương trình trao đổi sinh viên giữa hai trường không chỉ mở rộng quan hệ hợp tác cho tương lai lâu dài, mà trước mắt sẽ tạo điều kiện học tập cho sinh viên hai trường, giúp các em có cơ hội được trải nghiệm môi trường học tập, chương trình đào tạo của Việt Nam và Anh quốc. Đào tạo ra những nhân tài cho hai nước, cung cấp nguồn lao động có chất lượng”. Hiện tại MDX cũng đang đào tạo hai chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại và Tài chính mà Khoa đang quan tâm. Thêm vào đó, điểm mạnh của MDX là học phí ở mức dễ chấp nhận, vào khoảng 11 nghìn bảng/năm.

Trường MDX là một trường Đại học Công lập lớn của nước Anh, liên tục từ khi thành lập đến nay đều nằm trong nhóm các trường dẫn đầu về chất lượng đào tạo (xếp hạng 78/120 trường Đại học Công lập tốt nhất Anh Quốc, bảng xếp hạng The Complete UK University Guide, 2016), tính thực tiễn của khóa học, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm cao (liên tục trên 86% từ khi thành lập). Với nhiều ngành đào tạo thuộc các khối kinh tế, công nghệ, khoa học xã hội, nghệ thuật… MDX cũng là trường Đại học đã có nhiều sinh viên Việt Nam tin tưởng lựa chọn là điểm đến khi du học và nghiên cứu Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Anh.

Sau buổi họp ngày 21/12/2016, sáng 26/12/2016, thầy Johnathan Carr, giảng viên nhiều kinh nghiệm của Middlesex về ngôn ngữ đã có một buổi giảng tại Học viện cho sinh viên Khoa Đào tạo quốc tế,

Buổi giao lưu kéo dài 60 phút, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên về một số vấn đề rất cụ thể và hữu ích của tiếng Anh học thuật, dùng cho các bạn học môn chuyên ngành (Đầu tư, Xuất nhập khẩu, Marketing, Tài chính...), như:

* Làm sao để đọc và viết diễn giải một phần kiến thức/bài luận kinh tế thật nhanh và chính xác nhất, chuẩn mực nhất.

* Làm sao để mở đầu và phát triển một bài thuyết trình (oral essay) hiệu quả, thu hút nhất.

Với chương trình trao đổi sinh viên, tiến tới liên kết đào tạo và mở rộng hợp tác, những buổi giao lưu học thuật, gặp gỡ với các trường Đại học đối tác nước ngoài sẽ luôn được Học viện APD đẩy mạnh và đến gần sinh viên hơn.

Nguồn: Khoa Đào tạo quốc tế