Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức toạ đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức đào tạo đại học”
- content:
Chiều ngày 6/11/2020, Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức toạ đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức đào tạo đại học” với mục tiêu tìm ra phương thức tổ chức đào tạo hiện đại, sáng tạo nhằm cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học được tốt hơn đáp ứng sự hài lòng của người học.
Tham dự buổi Toạ đàm, về phía khách mời có TS. Phạm Minh Việt, Phó Ban Đào tạo, Học viện Tài chính; Ths. Phùng Chí Cường, Giảng viên, chuyên viên Phòng QLĐT, Đại học Kinh tế quốc dân; TS. Vũ Xuân Thuỷ, Giảng viên Đại học Thương Mại; Ths. Nguyễn Trung Dũng, chuyên viên Phòng Quản lý đào tạo, Học viện ngân hàng và TS. Nguyễn Thái Nhạn, Giảng viên thỉnh giảng tại Học viện.
Về phía Học viện có TS. Giang Thanh Tùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng Học viện; PGS, TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Học viện cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện.
PGS.TS Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện nhấn mạnh trong bối cảnh cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng khốc liệt, các trường đại học đang không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển đang nỗ lực, từng bước thay đổi, đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo và phương thức đào tạo …trên quan điểm lấy người học làm trung tâm. PGS.TS Trần Trọng Nguyên trân trọng cảm ơn các khách mời tham dự và rất mong được lắng nghe các ý kiến chia sẻ, thảo luận về các vấn đề trọng tâm: Việc tổ chức phân chuyên ngành học; Cách thức tổ chức đào tạo trong một học kỳ (tổ chức lớp học phần, giai đoạn đào tạo…); Tổ chức đánh giá học phần tốt nghiệp.Tiếp theo, TS. Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đã trình bày tổng thực trạng công tác đào tạo tại Học viện trong năm học 2020 – 2021 những kết quả đạt được, một số hạn chế và định hướng cho năm học 2020 – 2021. Đặc biệt TS. Nguyễn Thế Hũng đã trình bày dự thảo về điều chỉnh quy chế đào tạo đại học tại Học viện cho phù hợp với tình hình mới: Vấn đề phân chuyên ngành học được thực hiện sau 1 năm học tập tại Học viện dựa trên các tiêu chí về chỉ tiêu và điểm TBCTL của năm thứ nhất; Việc tổ chức giảng dạy được thực hiện 02 đợt/học kỳ; Các quy định về quy đổi điểm được sửa đổi; Học phần thực tập và khoá luận tốt nghiệp được thực hiện theo 2 hình thức học các học phần bổ sung hoặc bảo vệ khoá luận với các sinh viên đủ điều kiện.
TS. Phạm Minh Việt - Học viện Tài chính tham gia hội thảo
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức đào tạo tại Học viện Tài chính, TS. Phạm Minh Việt chia sẻ, Học viện Tài chính bắt đầu thực hiện mô hình 1 học kỳ 2 giai đoạn từ năm 2009, sinh viên có cơ hội để học cải thiện nâng điểm, có thời gian học tập cuốn chiếu để đảm bảo kịp thời gian ra trường…tuy nhiên cũng gặp khó khăn như sinh viên khi học chuyển đổi sẽ bị áp lực học tập, giảng viên bị áp lực giảng dạy, chấm thi. Năm 2020, Học viện Tài chính cũng đang thực hiện việc phân chuyên ngành học sau năm thứ nhất. Việc tổ chức học phần tốt nghiệp là 15 tín chỉ gồm thực tập và viết chuyên đề tốt nghiệp. Để tối ưu nguồn lực, việc tổ chức lớp học phần được thực hiện theo cách đăng ký.
ThS. Phùng Chí Cường - Đại học Kinh tế quốc dân tham gia hội thảo
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức đào tạo tại Đại học Kinh tế quốc dân ThS. Phùng Chí Cường chia sẻ trường ĐH KTQD có 38 ngành, hầu hết mỗi chuyên ngành/ngành. Sinh viên được đăng ký chuyên ngành ngay sau khi trúng tuyển vào trường. Việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo hình thức tín chỉ, với các lớp học phần bắt buộc được thực hiện theo hình thức đăng ký mặc định, điều này giúp cho việc tối ưu nguồn lực, tương đối ổn định quy mô lớp học.. thời gian học tập được thực hiện theo học kỳ 12 tuần/kỳ, 60 phút/tiết; 04 tiết/buổi. Số lượng sinh viên tốt nghiệp sớm khoảng 3 năm, 3,5 năm khoảng 10-20%. Đặc biệt trường ĐH KTQD thống nhất toàn bộ các học phần trong chương trình đào tạo đều có khối lượng 3TC để tạo tính liên thông giữa các chương trình và thuận lợi cho việc tổ chức giảng dạy. Học phần tốt nghiệp có khối lượng 10 Tín chỉ gồm thực tập tổng hợp và thực tập chuyên đề và có tổ chức bàn chấm khoá luận tốt nghiệp.
ThS. Nguyễn Trung Dũng - Học viện Ngân hàng tham gia hội thảo
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức đào tạo tại Học viện Ngân hàng ThS. Nguyễn Trung Dũng chia sẻ, sinh viên được đăng ký chuyên ngành ngay sau khi trúng tuyển vào trường. Việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo hình thức tín chỉ, với các lớp học phần bắt buộc được thực hiện theo hình thức đăng ký tín chỉ.
TS. Vũ Xuân Thuỷ - Đại học Thương Mại tham gia hội thảo
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức đào tạo tại Đại học Thương Mại. TS. Vũ Xuân Thuỷ chia sẻ sinh viên được đăng ký chuyên ngành ngay sau khi trúng tuyển vào trường. Việc tổ chức giảng dạy được thực hiện theo 12 tuần/kỳ. Học phần tốt nghiệp có khối lượng 10 Tín chỉ gồm thực tập tổng hợp và thực tập, viết chuyên đề thực tập tốt nghiệp
giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển tham gia thảo luận
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của cán bộ giảng viên các vấn đề về học tập theo 2 giai đoạn có những thuận lợi là sinh viên học ít môn/giai đoạn, có khả năng tập trung tốt hơn, có thời gian để học cải thiện..tuy nhiên có một số khó khăn cho việc thực hiện các bài tập nhóm, thuyết trình do thời gian ngắn, giảng viên lên lớp nhiều hơn nên áp lực về thời gian vì vậy Học viện xem xét thời gian trực hành chính của CVHT, hay sinh hoạt khoa học nên để các khoa, bộ môn chủ động về thời gian thay vì lịch cố định của Học viện. Học phần khoá luận tốt nghiệp nên được tổ chức theo đối tượng cho phù hợp với khả năng, nhu cầu của sinh viên, Học viện xem xét về việc được phép học tập online theo tỷ lệ theo đúng quy chế. Việc phân chuyên ngành học sau năm thứ nhất dựa trên điểm học tập TBCTL cũng là một giải pháp để tạo động lực cho sinh viên và động lực cho các khoa chuyên ngành trong sự phát triển chung của Học viện.
TS Nguyễn Thế Vinh – Phó Giám đốc Học viện phát biểu kết luận tại hội nghị
Phát biểu kết luận tại hội nghị, TS Nguyễn Thế Vinh – Phó Giám đốc Học viện chân thành cảm ơn những ý kiến trao đổi đầy tâm huyết, ý nghĩa của các vị đại biểu, các cán bộ, giảng viên của Học viện. Học viện sẽ nghiên cứu và tìm ra giải pháp tối ưu trong cách thức tổ chức đào tạo theo xu hướng hiện đại, sáng tạo, cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học được tốt hơn.
Nguồn: Phòng QLĐT