- content:
CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ DU HỌC CÙNG VIỆN ĐÀO TẠO QUỐC TẾ APD
VỚI TALKSHOW “A TRAVELLER WHO DREAMS BIG”
Tiếp nối sự thành công của sự kiện talkshow trước, lần này CLB kỹ năng kinh doanh ABSC tiếp tục tổ chức sự kiện talkshow “A Traveller who Dreams Big”. Sự kiện được tạo ra nhằm hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên đang có ý định đi du học chuẩn bị được những hành trang cần thiết. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn học sinh, sinh viên trong và ngoài học viện với 8,500 lượt view trong một thời gian ngắn, góp phần quảng bá hình ảnh của Viện Đào tạo quốc tế và Học viện chính sách và phát triển.
Trước tiên hãy cùng điểm qua những thành tích nổi bật của hai vị diễn giả:
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giảng viên Marketing tại Viện Đào tạo quốc tế - Học Viện Chính sách và Phát triển
Tại bậc đại học và thạc sĩ:
- Học bổng Dean's scholarship for excellence và ASEAN Master Scholarship (100% học phí, tương đương GBP 23,000) cho khoá thạc sĩ ngành Marketing Đại học Nottingham (Anh Quốc)
- Học bổng Sinh viên có thành tích học tập xuất sắc 6 kỳ học liên tiếp tại Học viện Tài Chính
- Sinh viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn và phong trào Thanh niên
- Thực tập sinh chương trình Talent Pool (Vingroup)
- IELTS 7.5
Tại Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel:
- Nhân viên truyền thông, Phòng Marketing, TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel
- Tác giả hồ sơ Trung tâm điều hành thông minh Thừa Thiên Huế của Viettel đạt giải Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á tại Telecom Asia Awards
- Đồng tác giả hồ sơ Mạng xã hội học tập ViettelStudy đạt Giải Vàng hạng mục CSR tại ASEAN ICT Awards
- Nhân viên xuất sắc Tổng công ty (khối ngoài kinh doanh) tháng 02/2020
Chị Bùi Nhật Hà - Sinh viên chuyên ngành MSc Strategic Event Marketing tại Đại học Sheffield Hallam (Anh Quốc) – Cựu sinh viên K6 Viện Đào Tạo Quốc Tế, APD
Tại Học viện Chính sách và Phát triển:
- Ủy viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên Học viện
- Ban tổ chức chương trình chào Tân sinh viên cấp Khoa
- Ban tổ chức các chương trình cấp Học viện: chào Tân sinh viên các khóa, khai giảng hàng năm, chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm, APD Cup, Trung thu APD, Tết sẻ chia, Mùa hè xanh, v..v
- Sinh viên có thành tích hoạt động xuất sắc cấp Học viện
Tại Đại học Sheffield Hallam:
- Đại sứ sinh viên quốc tế - International Student Ambassador
- Sinh viên đại diện khoá - Course Representative
MC: Không biết là cô Ngọc và chị Hà đang có cảm xúc như thế nào khi đến tham dự talkshow ngày hôm ạ?
Cô Ngọc: Cô chào các bạn. Đối với cô quãng thời gian du học có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất mà cô có từ trước đến giờ. Vì thế hôm nay cô rất vui được ngồi lại để chia sẻ với các bạn về trải nghiệm du học của mình.
Chị Hà: Chị cũng rất mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm của chị với những bạn có mong muốn đi du học.
MC: Cô và chị có thể chia sẻ kỉ niệm ấn tượng và khó quên nhất trong quá trình đi du học được không ạ?
Cô Ngọc: Thực ra thì có rất là nhiều trải nghiệm đáng nhớ nên cô cũng không biết nên chia sẻ về trải nghiệm nào trước *cười*. Vậy cô sẽ chia sẻ về kĩ năng mà cô nghĩ là quan trọng nhất mà cô học được trong quá trình đi du học nhé!
Sếp cũ của cô ở Viettel có nói rằng “Em có khả năng thích nghi cực kì tốt, chị tin rằng dù làm ở đâu em cũng có thể hoàn thành tốt công việc”. Khả năng thích nghi này cô được trau dồi qua quãng thời gian cô di du học.
Thứ nhất là nhờ việc tự học. Cách học khi đi du học là hoàn toàn khác cách cô học đại học ở Việt Nam. Đi du học thầy cô yêu cầu sinh viên đọc hàng trăm tài liệu từ những nguồn học liệu đáng tin cậy. Sinh viên cần phân tích góc nhìn của các nhà khoa học khác nhau, từ đó rút ra kết luận riêng của mình. Quá trình đó giúp cô quen với việc tự học và tự tìm tòi. Kỹ năng tự học là kỹ năng cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0.
Thứ hai, khi đi du học cô được sống trong một môi trường hoàn toàn khác. Việc này giúp cô tăng khả năng thích nghi và ép cô bước ra khỏi vòng an toàn của mình. Nhờ đó mà cô trưởng thành hơn nhiều.
Chị Hà: Chị thì cũng có khá là nhiều kỷ niệm khi ở bên kia. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là đại dịch Covid19 *cười*. Thời gian đầu ở bên đấy chị đã rất khủng hoảng, chị không biết nên về hay ở lại. Sau đó chị quyết định đặt vé và bay về đúng vào thời điểm đỉnh dịch ở Việt Nam. Lúc đó cảm xúc của chị thực sự rất lẫn lộn: vừa vui mừng vì được về nước mà vừa lo lắng không biết dịch bao giờ mới hết để đi học trở lại.
MC: Theo em được biết thì du học là mơ ước của rất nhiều các bạn trẻ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy thì cô Ngọc có thể chia sẻ về những điều kiện cần và đủ khi đi du học không ạ?
Cô Ngọc: Theo cô nếu các bạn đã xác định là bản thân muốn đi du học thì nên chuẩn bị càng sớm càng tốt (thường là trước 1-2 năm). Để chuẩn bị đi du học Anh bậc thạc sỹ, các bạn sẽ cần có các yếu tố chính như:
- Tiếng Anh: IELTS 6.5 - 7.0
- Điểm GPA >2.5
- 2 Thư giới thiệu.
- Về tài chính: Các bạn sẽ cần chuẩn bị khoảng 1 tỷ VNĐ cho học phí và chi phí sinh hoạt cho 1 năm học.
Với các bạn muốn xin học bổng cao (>50% học phí) thì yêu cầu cũng sẽ cao hơn:
- GPA: >3.5 hoặc ít nhất >3
- Hoạt động xã hội (HĐXH): Đây là tư liệu quan trọng để viết thư xin vào học/xin học bổng.
- Chi phí sinh hoạt: 200 - 300 triệu VNĐ/ năm. Chi phí này các bạn có thể làm thêm để bù nếu các bạn xin được việc.
MC: Chị Hà có thể chia sẻ một chút về quá trình học Tiếng Anh của chị được không ạ?
Chị Hà: Chị tập trung ôn hai kỹ năng nghe và đọc. Chị học nghe qua sách IELTS và qua Youtube để bắt chước giọng (accent) của họ. Chị nghe người nổi tiếng chia sẻ về các kỹ năng sống, đồng thời cũng trau dồi thêm các kiến thức về các vấn đề xã hội. Vì nội dung bài nghe rất hay nên chị cũng đam mê nghe hơn.
Thứ hai là chị đọc các bài luận của IELTS để học từ mới và cách hành văn của người bản địa. Quá trình nghe sẽ bồi bổ cho kĩ năng nói, và việc đọc nhiều sẽ bồi bổ cho kĩ năng viết của chị.
Còn khi sang bên đó, do khi đi du học cần viết rất nhiều bài luận nên chị cần phải đọc rất nhiều. Mỗi bài luận từ 1500 đến 2000 từ thầy cô sẽ yêu cầu đọc 10 - 15 quyển sách hoặc bài báo khoa học để có thể hiểu vấn đề thực sự. Kỹ năng đọc và viết của chị vì thế cũng tốt lên.
Một lời khuyên đối với các bạn muốn học tốt ngôn ngữ là nên tạo thói quen cho mình từ sớm và duy trì thói quen đấy kể cả khi các bạn đã đi du học rồi.
MC: Cô Ngọc và chị Hà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chọn ngành học để phù hợp với bản thân của chúng em được k ạ?
Cô Ngọc: Có hai yếu tố chính các bạn cần quan tâm trong quá trình chọn ngành:
Thứ nhất, các bạn cần chọn ngành mà mình yêu thích, muốn tìm hiểu hoặc muốn gắn bó lâu dài. Trong quá trình đi học, NCKH, đọc sách, đi làm thêm, và tham gia HĐXH, các bạn sẽ hiểu mình hơn, từ đó dần tìm ra được đâu là ngành mình muốn theo đuổi.
Thứ hai, các bạn cần quan tâm đến quy luật cung cầu của thị trường. Các bạn có thể hỏi bố mẹ, thầy cô hoặc đọc các sách báo về kinh tế để biết được thị trường đang có nhu cầu cao trong các nhóm ngành nào. Đừng chỉ vì nghĩ làm ngân hàng được ngồi điều hoà cả ngày mà học ngành Tài chính ngân hàng *cười*.
MC: Hiện tại em đang là sinh viên năm 3 tại Học viện, và Viện đào tạo quốc tế có chương trình học chuyển tiếp 3+1 liên kết với Đại học Middlesex tại Anh. Cô Ngọc có thể chia sẻ về ưu điểm và hạn chế của chương trình này so với chương trình thạc sĩ được không ạ?
Cô nghĩ nếu chia ra thành ưu điểm và hạn chế thì sẽ khó đúng với tất cả mọi người. Vì tuỳ mục đích mà mỗi người sẽ chọn chương trình phù hợp với mình.
Nếu trải nghiệm và kiến thức ngành cơ bản là ưu tiên số một của các bạn, thì chương trình 3+1 sẽ có nhiều ưu thế hơn. Chương trình học đơn giản hơn, bám sát thực tế, và các bạn cũng vẫn có 1 năm để trải nghiệm, đồng thời được đi làm sớm hơn so với các bạn học bậc thạc sĩ. Chi phí cũng tiết kiệm hơn so với chương trình học thạc sĩ.
Nếu kiến thức chuyên sâu là ưu tiên số một thì chương trình học thạc sĩ sẽ phù hợp với bạn hơn, do các bạn sẽ học được cách nghiên cứu khoa học của học giả tại các nước phát triển hay cách giải quyết cho những vấn đề bản thân đã gặp trong quá trình đi làm. Những kiến thức này vì thế sẽ thấm rất lâu.
MC: Em thì cũng thấy khả nhiều người khuyên là nên đi làm 1 - 2 năm rồi mới đi học thạc sĩ thì sẽ đỡ bị ngợp. Chị Hà thấy thế nào ạ?
Thường thì là như vậy. Tuy nhiên các bạn cũng nên quan tâm đến môn học của mỗi trường. Với một số trường, khoá học thạc sĩ sẽ dạy lại căn bản của môn học, thì họ yêu cầu rất ít kinh nghiệm hoặc thậm chí không cần kinh nghiệm nền.
MC: Em được biết là rất nhiều bạn sinh viên có phần lo lắng khi quyết định sinh sống ở nước ngoài, rời xa vòng tay gia đình, chị Hà có thể chia sẻ một chút về điều này được không ạ?
Chị Hà: Thời gian đầu sang bên đấy chị thấy rất ngợp, muốn tìm một người nói Tiếng Việt cũng khó. Người Anh nói rất nhanh và dùng nhiều tiếng lóng nên chị mất một thời gian mới thích nghi được với ngôn ngữ. Thứ 2 là văn hoá phân biệt đối xử với người châu Á. Có những lúc đi làm về, chị vô cùng mệt và tủi thân nhưng không dám chia sẻ với gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng. Chị cũng rất nhớ đồ ăn Việt Nam vì đồ ăn bên này không hợp khẩu vị. Vì vậy các bạn nên chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi đi du học nhé.
MC: Cô Ngọc ơi, khoảng thời gian cô đi học bên Anh thì thế nào ạ?
Hà hơi xui xẻo khi đi du học vào đúng khoảng thời gian dịch Covid19 nên cũng cực hơn. Cô thì ngay từ khi ở Việt Nam đã biết là du học sẽ vất vả nên cô có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Thứ nhất là cô học nấu ăn. Thứ hai, cô chuẩn bị một ít thuốc và một số biện pháp chữa bệnh bằng thảo mộc đơn giản tại nhà để hạn chế bị ốm. Trước khi đi cô cũng hỏi kinh nghiệm của nhiều anh chị bên đó nên cũng biết trước môi trường bên đó thế nào. Các bạn cũng có thể vào hội Vietsoc ở các thành phố để tìm hiểu. Dĩ nhiên vẫn có những lúc cô mệt mỏi và nhớ nhà, những lúc đó cô tạm gác mọi thứ sang một bên để nghỉ ngơi, và nghĩ khi sang đây mình được nhiều hơn mất để tiếp tục cố gắng.
MC: Em thay mặt ABSC cảm ơn những lời khuyên và chia sẻ bổ ích của cô và chị.
Để xem nội dung chia sẻ chi tiết hơn, vui lòng truy cập link sự kiện:
https://www.facebook.com/bsc.apd/videos/667634570724178/