null Hội thảo khoa học Quốc gia “Hạn hán - xâm nhập mặn và phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”

content:

          Ngày 27/10/2023, Học viện Chính sách và Phát triển (APD) phối hợp với Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. HCM tại tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Hạn hán - xâm nhập mặn và phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Nội dung hội thảo tập trung vào đánh giá thực trạng hạn hán - xâm nhập mặn và tác động của hiện tượng này đến phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh trong vùng nói riêng. Hội thảo có sự tham gia của các sở ban ngành các tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học đến từ Viện khoa học thủy lợi Miền Nam, Đại học Tiền Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Cửu Long…

          Tại Hội thảo, PGS.TS. Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã trình bày tham luận với chủ đề “Đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến hiện trạng khan hiếm nước từ nhu cầu sử dụng của người dân tỉnh Bến Tre”. Tham luận của ông đã cho thấy xâm nhập mặn kéo dài vào mùa khô trong những năm trở lại đây với phạm vi ảnh hưởng rộng với độ mặn dao động khoảng trung bình gần 500 mg/L, mức cao hơn gấp đôi so với quy chuẩn nước cấp sinh hoạt. Ông cho rằng cần sự quan tâm và can thiệp từ phía chính quyền và cộng đồng để tìm kiếm và áp dụng các giải pháp hiệu quả, đảm bảo nguồn nước sạch và an toàn cho sinh hoạt và sản xuất.

PGS.TS. Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre trình bày tham luận tại hội thảo

          Trong vai trò diễn giả, ông TS. Lê Văn Thịnh đến từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã trình bày tham luận với chủ đề “Các thách thức liên quan đến nước cho phát triển bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Tham luận đã nêu rõ ba nhóm thách thức chính và ảnh hưởng của những thách thức này đến lĩnh vực sản xuất và đời sống vùng đồng bằng sông Cửu Long là thách thức do biến đổi khí hậu - nước biển dâng, thách thức do các phát triển trên lưu vực sông Mekong và biển hồ Tonle Sap và thách thức do phát triển nội tại và những biến đổi khó lường trên vùng đồng bằng sông Cửu Long.

TS. Lê Văn Thịnh, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

          Tiếp theo, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương và TS. Nguyễn Duy Tùng đến từ Học viện Chính sách và Phát triển đã trình bay tham luận với chủ đề “Thực trạng phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010 - 2021”. Tham luận đã chỉ ra mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được một số thành tự như xuất nhập khẩu tăng tăng trưởng ổn định, quy mô vốn có xu hướng mở rộng, hệ số ICOR được cải thiện, cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển phong phú, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế mặc dù có một số tín hiệu tích cực nhưng còn chậm và chưa đạt mục tiêu quy hoạch đề ra, quy mô xuất nhập khẩu nhỏ và tốc độ tăng trưởng chậm, v.v.

TS. Nguyễn Duy Tùng - Học viện Chính sách và Phát triển

          Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm và câu hỏi đến từ nhiều cán bộ Sở, Ban, ngành và các nhà khoa học. TS. Nguyễn Hoàng Đại Long - Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. HCM tại tỉnh Bến Tre đã đặt câu hỏi về tác động của kênh đào Phù Nam (Funan) Campuchia đến nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, ông đưa ra một số kiến nghị cho nhóm nghiên cứu như nên đưa yếu tố nguồn nước vào mô hình đánh giá cân bằng tổng thể khả tính, cần kiểm tra số liệu về cơ cấu kinh tế và cơ cấu dân số, xác định nguyên nhân cụ thể của tình trạng năng suất lao động thấp để có đánh giá khách quan hơn về tình hình năng suất lao động tỉnh Bến Tre. Ông cho rằng một trong những yếu tố có thể giải thích cho tình trạng này là vấn đề di dân theo tính chất con lắc (thời vụ) và vấn đề dịch chuyển cơ cấu kinh tế khi tỉnh Bến Tre tập trung phát triển sản phẩm tôm và dừa nhưng hiện nay không có nhà máy chế biến dẫn đến GRDP dịch chuyển sang các tỉnh lân cận.

 TS. Nguyễn Hoàng Đại Long - Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. HCM tại tỉnh Bến Tre

          Ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. Ông đặt vấn đề về những thách thức trong việc phát triển kinh tế vùng đồng thời thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực tiễn cho thấy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, triển khai phát triển công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng giao thông còn trì trệ.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang

TS. Đào Phú Yên - Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. HCM đặt vấn đề về tình trạng ô nhiễm nước ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông đề xuất nhóm nghiên cứu đánh giá thêm tác động của cơ sở hạ tầng giao thông đến phát triển kinh tế - xã hội vùng

Ông Bùi Thiện Huy - Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre đề xuất một số giải pháp từ góc nhìn ngành xây dựng nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre như đẩy mạnh đô thị hoá, phân bổ lại dân cư, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ

Ông Nguyễn Nhựt Nam - Sở Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang kiến nghị đầu tư hệ thống cống Hàm Luông nhằm cải thiện tình trạng hạn hán - xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận

PGS.TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

          Kết thúc Hội thảo, ông Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển đã có phát biểu tổng kết và cảm ơn các diễn giả cũng như sự quan tâm của các cán bộ Sở, Ban, ngành và các nhà khoa học tham dự.