Khoa Tài chính - Ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Lấy ý kiến Dự thảo chương trình đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng”
- content:
Vào lúc 8h30, thứ 7, ngày 23 tháng 3 năm 2024, Khoa Tài chính - Ngân hàng đã tổ chức tọa đàm “Lấy ý kiến Dự thảo chương trình đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng” tại Phòng họp tầng 6, Tòa nhà hiệu bộ, Học viện Chính sách và Phát triển.
Buổi tọa đàm được tổ chức với mục tiêu rà soát chương trình đào tạo cử nhân bám sát với thực tế, xu hướng phát triển của ngành Tài chính - Ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, qua đó nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, đồng thời đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, giúp sinh viên có cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Toàn cảnh tọa đàm “Lấy ý kiến Dự thảo CTĐT ngành Tài chính - Ngân hàng”
Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Thế Hùng - PGĐ Học viện giới thiệu về định hướng phát triển của Học viện Chính sách và Phát triển, đồng thời trao đổi việc xây dựng chương trình đào tạo cập nhật xu hướng thị trường và yêu cầu của nhà tuyển dụng là yêu cầu tất yếu đề ra. Tuy nhiên, khi xây dựng chương trình đào tạo, các đơn vị giáo dục đại học thường gặp phải khó khăn trong việc cân đối giữa việc đào tạo theo hướng tổng quan hay đào tạo chuyên ngành chuyên sâu.
TS. Nguyễn Thế Hùng - PGĐ Học viện phát biểu khai mạc Tọa đàm
Với vai trò điều phối tọa đàm, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trao đổi với khách mời về bối cảnh rà soát chương trình đào tạo và định hướng phát triển của Khoa Tài chính - Ngân hàng. TS. Phạm Mỹ Hằng Phương cũng nhấn mạnh việc thiết kế chương trình đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng cần đáp ứng yêu cầu về việc phát huy tố chất đầu vào của sinh viên, đào tạo nền tảng, bài bản các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, đồng thời chú trọng vào mục tiêu số hóa, thực tiễn, và theo chuẩn quốc tế.
TS. Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trao đổi với khách mời về bối cảnh rà soát chương trình đào tạo toàn ngành
Thay mặt cho tổ biên soạn, TS. Nguyễn Duy Tùng trình bày về dự thảo chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng với 3 hướng chuyên ngành: (i) Tài chính, (ii) Ngân hàng, và (iii) Tài chính công. Đồng thời, TS. Nguyễn Duy Tùng cũng chỉ ra các điểm khác biệt và đổi mới trong dự thảo chương trình đào tạo lần này.
Thay mặt cho tổ biên soạn, TS. Nguyễn Duy Tùng trình bày về dự thảo chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng
Ông Nguyễn Thọ Phùng - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân mai; chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH MTV Bê tông Xuân Mai và chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Bê tông Xuân mai Bình Dương dưới góc nhìn quản trị doanh nghiệp nhận định dự thảo chương trình đào tạo chuyên ngành tài chính được thiết kế tổng quan, bao trùm được nhiều lĩnh vực quan trọng của tài chính. Ông Phùng cũng đề xuất đào tạo lồng ghép các kỹ năng chuyên môn trong chương trình đào tạo cũng như nâng chuẩn đầu ra tiếng anh để phù hợp với thực tiễn và định hướng công dân toàn cầu.
Ông Nguyễn Thọ Phùng - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân mai đề xuất góp ý CTĐT chuyên ngành Tài chính
Bổ sung thêm cho chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính, ông Phạm Đức Việt - Giám đốc Tài chính Casper Electric Vietnam và ông Dương Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nguồn vốn - Công ty cổ phần kinh doanh F88 đề xuất chương trình đào tạo cần thiết kế theo hướng chuyên sâu, đồng thời đào tạo cho sinh viên mạnh về kỹ năng, trong đó nhấn mạnh một số kỹ năng chủ chốt như kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng chủ động giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng về sử dụng excel, power BI…
Ông Dương Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nguồn vốn - Công ty cổ phần kinh doanh F88 đề xuất góp ý CTĐT chuyên ngành Tài chính
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS nhận xét chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính đang được xây dựng nghiêng về hướng Tài chính doanh nghiệp. Để bổ sung thêm khối kiến thức về tài chính đầu tư, chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính có thể bổ sung thêm các học phần như Nghiệp vụ các ngân hàng đầu tư, Chứng khoán hóa.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS đề xuất góp ý CTĐT chuyên ngành Tài chính
Đối với chuyên ngành Ngân hàng, dự thảo Chương trình đào tạo nhận được ý kiến góp ý từ lãnh đạo chi nhánh các ngân hàng lớn. Bà Nguyễn Thu Thủy - Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Thăng Long cho rằng chương trình đào tạo cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng, có tư duy phản biện, kỹ năng thích ứng, chủ động giải quyết vấn đề, tăng cường trải nghiệm thực tế, lồng ghép các câu chuyện thành công trên thực tế vào nội dung học tập.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Thăng Long đề xuất góp ý CTĐT chuyên ngành Ngân hàng
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Xuân Tùng - Giám đốc Chi nhánh MBBank Hoài Đức nhấn mạnh chương trình đào tạo cần có sự khác biệt và tạo được thương hiệu riêng trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, chương trình đào tạo chuyên ngành Ngân hàng cần dành nhiều thời lượng cho kiến thức nền tảng, đồng thời trang bị cho sinh viên khả năng tự học các kiến thức chuyên sâu phù hợp với đặc thù vị trí công việc sau này.
Ông Nguyễn Xuân Tùng - Giám đốc Chi nhánh MBBank Hoài Đức đề xuất góp ý CTĐT chuyên ngành Ngân hàng
Đối với chuyên ngành Tài chính công, bà Trương Thị Hiên - Nguyên Vụ phó vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường góp ý chương trình đào tạo cần thiết kế theo hướng tập trung vào kiến thức nền tảng, để sinh viên ra trường có thể linh động áp dụng vào nhiều vị trí công việc ở nhiều đơn vị khác nhau.
Bà Trương Thị Hiên - Nguyên Vụ phó vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất góp ý CTĐT chuyên ngành Tài chính công
TS. Nguyễn Thạc Hoát, nguyên trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng phát biểu chương trình đào tạo cần gắn với thực tiễn việc làm, phối hợp với các đơn vị tuyển dụng để sinh viên có cơ hội tiếp cận môi trường thực tế thông qua kiến tập, thực tập và các cơ hội tuyển dụng sớm.
TS. Nguyễn Thạc Hoát, nguyên trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng phát biểu tại Tọa đàm
Tổng kết tọa đàm, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trân trọng cảm ơn những góp ý thực chất của các vị khách mời trong việc hoàn thiện dự thảo Chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng của Học viện Chính sách và Phát triển. Đồng thời TS. Phạm Mỹ Hằng Phương cũng giao các tổ chuyên môn phụ trách tiếp tục rà soát Dự thảo chương trình đào tạo dựa trên góp ý của chuyên gia và xây dựng Kế hoạch hành động phối hợp giữa Khoa và các đơn vị tuyển dụng trong tương lai.
Tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp lúc 12h cùng ngày. Tọa đàm “Lấy ý kiến Dự thảo chương trình đào tạo cử nhân ngành Tài chính - Ngân hàng” là bước đầu, mở ra các cơ hội trao đổi, hợp tác, phụng sự cộng đồng và cùng phát triển giữa Khoa Tài chính - Ngân hàng và các đối tác tuyển dụng trong tương lai.
Nguồn: Khoa Tài chính - Ngân hàng