TÔN VINH SINH VIÊN

null HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “MÔ HÌNH CÂN BẰNG TỔNG THỂ VÀ ỨNG DỤNG TRONG PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU”

content:

Sáng ngày 02/01/2025, trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia “Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể khả tính đánh giá tác động của hạn hán – xâm nhập mặn tới phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Học viện Chính sách và Phát triển đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Mô hình cân bằng tổng thể và ứng dụng trong phân tích tác động của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế" do NGƯT, PGS,TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện chủ trì.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Về phía khách mời, Hội thảo có sự tham dự của TS. Hồ Công Hoà, Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu xã hội và ThS. Đỗ Văn Lâm đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; và TS. Đoàn Thị Thu Hà, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các khách mời là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Về phía Học viện có NGƯT, PGS,TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện; Lãnh đạo các Phòng/Khoa/Viện/Trung tâm cùng các cán bộ, giảng viên Học viện quan tâm.

 

NGƯT, PGS,TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo Khoa học quốc gia

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất trù phú, đóng vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hàng năm, khu vực này chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu quốc gia, không chỉ khẳng định vị thế trong nền kinh tế Việt Nam mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với những áp lực nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn. Những tác động tiêu cực từ các hiện tượng này không chỉ làm suy giảm năng suất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của vùng. Mặc dù nhiều giải pháp đã được triển khai, từ cải thiện cơ sở hạ tầng đến xây dựng chính sách liên kết vùng, vẫn còn những khoảng trống lớn cần được lấp đầy. Việc đánh giá tác động của hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay vẫn chưa mang tính hệ thống, liên ngành và toàn diện.

Trong bối cảnh này, mô hình cân bằng tổng thể khả tính (CGE) được xem là công cụ đột phá, giúp phân tích chính xác tác động tổng thể của biến đổi khí hậu lên từng ngành kinh tế và các đối tượng liên quan. Đồng thời, mô hình CGE còn hỗ trợ xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế và định hướng quy hoạch chiến lược nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách hợp lý và hiệu quả.

Hội thảo được lắng nghe các bài tham luận của các diễn giả với các nội dung phong phú, đa dạng trên nhiều góc tiếp cận khác nhau gồm:

Tham luận “Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu” do TS. Hồ Công Hoà, Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày. Bài tham luận tập trung vào các vấn đề đặt ra trong nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của hiện tượng như băng tan, nước biển dâng và các thay đổi khí hậu toàn cầu. Bài trình bày chỉ ra những thách thức trong nghiên cứu, bao gồm thiếu dữ liệu toàn diện, tính phức tạp trong phân tích tác động đa ngành, và nhu cầu sử dụng các công cụ khoa học hiện đại. Kết luận nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận liên ngành để đưa ra các giải pháp hiệu quả, đóng góp vào việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

 

Tham luận “Thích ứng với xâm nhập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long” do TS. Đoàn Thị Thu Hà, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày. TS. Đoàn Thị Thu Hà tập trung vào các giải pháp thích ứng với xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đi từ phân tích thực trạng hệ thống thủy lợi đến áp dụng các công cụ dự báo xâm nhập mặn, đánh giá rủi ro dựa trên các tiêu chí tự nhiên, kinh tế, xã hội, và đề xuất phát triển vùng theo hướng thích nghi có kiểm soát để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo phát triển bền vững.

Tham luận “Ứng dụng mô hình CGE trong phân tích tác động của hạn hán và xâm nhập mặn tới phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do TS. Phạm Mỹ Hằng Phương - Trưởng khoa Khoa Tài chính – Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển trình bày. TS. Phạm Mỹ Hằng Phương giới thiệu ứng dụng mô hình cân bằng tổng thể khả tính (CGE) để phân tích tác động của hạn hán và xâm nhập mặn tới phát triển kinh tế vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Mô hình CGE đánh giá các kịch bản tác động kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra, dự báo mức giảm GDP đáng kể nếu không có biện pháp thích ứng hiệu quả. Đồng thời, bài trình bày nhấn mạnh vai trò của mô hình trong việc hoạch định chiến lược và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cho khu vực.

 

Tham luận “Tác động không gian của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng kinh tế” do ThS. Đỗ Văn Lâm đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày. ThS. Đỗ Văn Lâm làm nổi bật tác động lan tỏa của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế, không chỉ tại chỗ mà còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Sử dụng mô hình kinh tế lượng không gian, nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tăng nhiệt độ làm giảm GRDP ở nhiều vùng, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long. Bài trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu và tái cấu trúc kinh tế để giảm thiểu tổn thất và thúc đẩy sự phát triển bền vững giữa các khu vực.

 

Sau gần 3 giờ làm việc tập trung và hiệu quả, các tham luận được trình bày tại Hội thảo được đánh giá cao, có giá trị về nội dung học thuật, đa dạng hóa các công cụ mô hình và có ý nghĩa thực tiễn. Mô hình cân bằng tổng thể khả tính (CGE) đã được nhấn mạnh là công cụ hữu hiệu trong việc phân tích các tác động kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra, từ đó hỗ trợ hoạch định chính sách phát triển bền vững. Các bài tham luận không chỉ mang tính học thuật cao mà còn gắn liền với thực tiễn, đặc biệt là đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long – vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm giúp các nhà khoa học phát triển những hướng nghiên cứu tiếp theo.

 

Các đại biểu trao đổi và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo kết thúc thành công với nhiều ý tưởng sáng tạo và giải pháp hữu ích. Đây là nền tảng quan trọng giúp kết nối các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng, nhằm chung tay ứng phó với các thách thức do biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển kinh tế bền vững.