null Tân sinh viên ưu tiên lựa chọn ngành học có mức độ bao phủ rộng đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai

content:

Nên lựa chọn ngành học mở hay ngành học chuyên sâu

Đào tạo đại học là hoạt động hướng tới phát triển tri thức, năng lực, kiến thức và kỹ năng cho người học, không phải là đào tạo nghề cho một lĩnh vực công việc cụ thể. Vì vậy, việc chọn những ngành học tập trung vào một nhóm chủ thể tuyển dụng với nghiệp vụ cụ thể có thể giúp người học tự tin khi bước chân vào thị trường lao động vì có lợi thế đã được đào tạo chuyên sâu một "nghề" cụ thể.

Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hoàng Mai, Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, việc lựa chọn ngành học quá hẹp có thể khiến người học khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. "Việc ngành học quá hẹp và chi tiết cũng dẫn đến việc người học sau khi tốt nghiệp sẽ chỉ tập trung tìm việc trong những nghiệp vụ mình được đào tạo. Họ có thể dè dặt với việc linh hoạt tìm một công việc trong thị trường lao động phong phú và đa dạng hiện nay. Ngoài ra, việc theo học chuyên sâu trong một chuyên ngành hẹp cũng dẫn đến khả năng thiếu tự tin hoặc cần nhiều thời gian để chuyển từ công việc này sang công việc khác trong quá trình làm việc sau khi ra trường", cô Hoàng Mai chia sẻ.

Nhiều học sinh phân vân nên lựa chọn chuyên ngành nào sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. 

Trong một xã hội thay đổi từng giờ, việc đào tạo những nghiệp vụ quá chi tiết, cụ thể có lẽ càng không thích hợp. Bởi lẽ, ngay sau khi người học được trang bị những kỹ năng nghiệp vụ đó trên ghế nhà trường, thì kỹ năng nghiệp vụ đó đã bị lạc hậu ở ngoài xã hội. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin và tính mở của thị trường lao động, người học có thể dễ dàng tự học những nghiệp vụ chi tiết ngay trong thời gian học hoặc thời gian tập sự. Ngoài ra, chuyên ngành đào tạo hẹp cũng làm hạn chế khả năng có được những ý tưởng sáng tạo cần sự đa dạng kiến thức và kỹ năng của người lao động. Vì vậy, hoạt động đào tạo của trường đại học không nên làm thay phần việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn chi tiết của nhà tuyển dụng.

Triển vọng nghề nghiệp phụ thuộc nhiều vào tư duy, năng lực thực hiện, và kỹ năng mềm của người lao động. Người học cần được phát triển khả năng tư duy, cần có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ đa dạng, cũng như cần kỹ năng tin học, ngoại ngữ, và các kỹ năng mềm khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự học, tự quản lý thời gian, tạo dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội. Chuyên ngành đào tạo nên có mức độ bao phủ rộng để người học đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng linh hoạt nhu cầu phong phú của thị trường lao động.

Lựa chọn chuyên ngành đào tạo có mức độ bao phủ kiến thức và kỹ năng rộng giúp gia tăng cơ hội việc làm 

Nhận thức được điều này, Khoa Kinh tế Phát triển tại Học viện Chính sách và Phát triển đã xây dựng chương trình đào tạo có mức độ bao phủ kiến thức và kỹ năng khá rộng cho các chuyên ngành học của khoa. Cụ thể, ngành Kinh tế Phát triển của Học viện có hai chuyên ngành đào tạo là chuyên ngành Kinh tế Phát triển và chuyên ngành Kế hoạch Phát triển. Cả hai chuyên ngành đều hướng tới mục tiêu đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng của người học.

Các chuyên ngành được thiết kế theo hướng: Lựa chọn những trụ cột năng lực và kỹ năng cơ bản của lĩnh vực đào tạo, đồng thời đảm bảo một thời lượng đào tạo nhất định dành cho các môn học tự chọn. Như vậy, người học vừa có những trụ cột năng lực nghiệp vụ chuyên sâu của ngành, vừa có thể trang bị thêm kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ của các chuyên ngành khác trong Học viện. Từ đó giúp tăng cường mức độ đa dạng kiến thức và kỹ năng của người học sau khi ra trường.

Các trụ cột năng lực của sinh viên ngành Kinh tế Phát triển gồm: Năng lực trừu tượng hóa; (Năng lực phân tích không gian, Năng lực phân tích định lượng, Năng lực phân tích định tính, Năng lực đọc tổng hợp tài liệu và thu thập thông tin); Năng lực sáng tạo; Năng lực chứng minh; Năng lực áp dụng. 

Mỗi chuyên ngành sẽ có những trụ cột kỹ năng chính. Chuyên ngành Kế hoạch Phát triển có ba trụ cột kỹ năng chính: Kỹ năng lập kế hoạch khu vực tư nhân; Kỹ năng lập kế hoạch cho phát triển kinh tế xã hội; Kỹ năng phản biện và tư vấn chính sách. Chuyên ngành Kinh tế Phát triển có ba trụ cột kỹ năng chính: Kỹ năng xây dựng, đánh giá, thẩm định các chương trình và dự án phát triển; Kỹ năng phân tích, xây dựng, đánh giá chính sách phát triển kinh tế xã hội; Kỹ năng phân tích và dự báo trong kinh tế và kinh doanh.

Ngoài các trụ cột năng lực và trụ cột kỹ năng trên, một phần chương trình đào tạo được dành cho sinh viên tự lựa chọn học các môn của các chuyên ngành khác trong Học viện. Vì vậy, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng phổ biến của sinh viên khối ngành kinh tế như kiến thức kinh tế học, pháp luật, thống kê, quản trị, tài chính - kế toán, marketing, đầu tư, tùy theo lựa chọn của bản thân.

Việc xây dựng chương trình đào tạo theo trụ cột năng lực và kỹ năng nghiệp vụ trên giúp cho chương trình đào tạo của mỗi chuyên ngành đều đảm bảo được sự mềm dẻo và linh hoạt. Vì vậy, sinh viên sẽ được đa dạng hóa kiến thức và kỹ năng, dễ dàng đáp ứng được nhu cầu luôn thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

Nhờ cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo với mức độ bao phủ rộng, xác định trụ cột năng lực rõ ràng và phù hợp với nhu cầu của thị trường, sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển đã đạt được nhiều thành công cả trong học tập, các hoạt động phong trào và trong công việc sau khi ra trường.

Sinh viên khoa Kinh tế Phát triển của Học viện Chính sách và Phát triển luôn đạt được nhiều thành tích tiêu biểu. 

Sinh viên khoa Kinh tế Phát triển luôn đứng trong tốp đầu của Học viện về tỷ lệ sinh viên giỏi và xuất sắc. Đến nay, sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển chiếm 3/9 thủ khoa đầu ra, 4/9 á khoa đầu ra của Học viện. Đồng thời, sinh viên của khoa cũng đạt nhiều giải nhất, nhì trong các kỳ thi nghiên cứu khoa học sinh viên của Học viện và quốc gia. Ngoài ra, sinh viên của Khoa cũng đạt được thành tích tiêu biểu trong các cuộc thi văn nghệ, thể thao, và những cuộc thi khác của Học viện Chính sách và Phát triển.

Các bạn sinh viên của khoa Kinh tế Phát triển có lựa chọn công việc khá linh hoạt, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay khi còn là sinh viên và sau khi tốt nghiệp đều rất cao. Tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường 6 tháng lên tới 96.3% (tính trung bình các năm từ 2014 - 2021). Vị trí việc làm của sinh viên ra trường khá phong phú. Theo kết quả khảo sát của Khoa năm 2021, khoảng 20% sinh viên ra trường mỗi năm làm việc tại các sở, ban, ngành ở địa phương, hoặc các bộ, ngành cấp trung ương, 71.3% làm việc tại các doanh nghiệp, số còn lại tự khởi nghiệp kinh doanh hoặc đi du học. Điểm đặc biệt là các bạn sinh viên đều lựa chọn được nhiều công việc khác nhau, một số làm đúng lĩnh vực kinh tế phát triển, một số khác làm trong lĩnh vực marketing, ngân hàng, kế toán, chứng khoán, kinh doanh xuất nhập khẩu và logistics.

Nhiều sinh viên ra trường đã giữ vị trí chức vụ cao trong các công ty. Khi được phỏng vấn, các bạn sinh viên đã tốt nghiệp đều cho biết họ thấy tự tin với những năng lực đã được đào tạo về kinh tế phát triển, và cũng không sợ cảm giác trái ngành, trái nghề. Lối sống ôn hòa, tư duy vì sự phát triển của xã hội mà những môn học của ngành kinh tế phát triển mang lại cũng giúp các bạn nhận được sự quý mến và tin tưởng của đồng nghiệp và cấp trên. Các bạn cũng tự tin khi sử dụng những kiến thức và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập để làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Chương trình học có tính mở cao, nên việc vừa học vừa làm thời sinh viên cũng đem lại rất nhiều thuận lợi công việc cho các bạn sau khi ra trường.

Như vậy, cách tiếp cận về mở rộng mức độ bao phủ kiến thức và kỹ năng đi kèm với việc xây dựng những trụ cột năng lực rõ ràng đã chứng tỏ được những thành công nhất định của chương trình đào tạo ngành Kinh tế Phát triển tại Học viện Chính sách và Phát triển. Sinh viên ngành Kinh tế Phát triển tuy có điểm đầu vào không cao so với nhiều ngành khác trong và ngoài Học viện, nhưng đã đạt được những thành công đáng kể cả trong quá trình học và sau khi ra trường. Trường hợp ngành Kinh tế Phát triển của Học viện Chính sách và Phát triển chỉ là một ví dụ về cách tiếp cận mở rộng mức độ bao phủ kiến thức và nâng cao năng lực tư duy trong quá trình học đại học. Từ đó, các bạn học sinh trung học phổ thông khi lựa chọn chuyên ngành học đại học sẽ lưu tâm về mức độ bao phủ kiến thức và kỹ năng của chuyên ngành đào tạo để lựa chọn được chuyên ngành phù hợp cho tương lai của mình.

Nguồn: Chu Linh (Báo điện tử Dân Việt)