Khoa Luật Kinh tế

 

Giới thiệu chung

             Khoa Luật Kinh tế trực thuộc Học viện Chính sách và Phát triển (tên tiếng Anh: Faculty of Economic Law, Academy of Policy and Development / tên viết tắt: LAW-APD) là đơn vị đào tạo, nghiên cứu và tư vấn luật và chính sách uy tín và chuyên nghiệp. Tiền thân là Bộ môn Luật Kinh tế thuộc Khoa Cơ bản được thành lập theo Quyết định số 459/QĐ-HVCS&PT ngày 17/9/2009 của Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, tới ngày 22/7/2019, Khoa Luật Kinh tế chính thức được thành lập trực thuộc Học viện thông qua Quyết định số 1089/QĐ-BKHĐT của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung ký. Từ năm 2019 tới nay, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực ngành Kế hoạch và Đầu tư, Khoa hiện là đơn vị đào tạo duy nhất trên cả nước đào tạo cử nhân chuyên ngành Luật Đầu tư - Kinh doanh, và tới đây sẽ tiếp tục mở rộng các chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội.

Logo chính thức của Khoa Luật Kinh tế (LAW-APD)

Trong quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với những bước thăng trầm của Học viện, Khoa đã có những bước trưởng thành trong mọi hoạt động từ giảng dạy; nghiên cứu khoa học và hợp tác. Lãnh đạo Khoa, TS. Nguyễn Như Hà là một trong số ít chuyên gia pháp lý có công trình là sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài, được công bố Châu Âu, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn quản lý với vị trí Phó Chủ nhiệm Khoa kiêm Phó Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học Quản lý, Đại học KH-XH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ II Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh và kinh qua công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

TS, GVC. NGUYỄN NHƯ HÀ, Trưởng Khoa Luật Kinh tế

TS. Nguyễn Như Hà hiện đồng thời đảm nhận nhiệm vụ Thư ký Hội đồng học viện Học viện Chính sách và Phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thầy Nguyễn Như Hà hiện cũng là Bí thư Chi bộ 4 - Chi bộ Khối các Khoa: Luật Kinh tế, Chính sách công, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán và Khoa Cơ bản, trực thuộc Đảng Bộ Học viện Chính sách và Phát triển.

Các giảng viên Khoa cũng tích cực tham gia nhiều đề tài, đề án cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước và tác giả của nhiều bài báo đăng tạp chí chuyên ngành. 

Đặc biệt, dù chỉ mới chính thức tuyển sinh sinh viên ngành Luật Kinh tế từ năm 2019, nhưng kết quả tuyển sinh cao cả về số lượng trúng tuyển và điểm trúng tuyển qua từng năm cho thấy chất lượng và tôn chỉ đào tạo của Khoa đã được xã hội ghi nhận.

2. Đào tạo hệ cử nhân chính quy:

Hoạt động giảng dạy các học phần cử nhân chuyên ngành Luật đầu tư - kinh doanh được phân công cho 02 Bộ môn phụ trách gồm: 

- Bộ môn Pháp luật cơ sở và liên ngành đảm nhận các học phần như: Lý luận Nhà nước và Pháp luật; Luật hiến pháp; Luật hành chính...(dành cho sinh viên chuyên ngành) và các học phần như: Pháp luật đại cương; Pháp luật kinh tế; Pháp luật kinh tế quốc tế (dành cho sinh viên hệ đại trà và chất lượng cao).

- Bộ môn Pháp luật chuyên ngành đảm nhận các học phần như: Pháp luật doanh nghiệp; Pháp luật đầu tư; Luật thương mại; Pháp luật Tài chính và Ngân hàng...

Đào tạo hệ sau đại học: Khoa hiện đảm nhận giảng dạy học phần Luật và Chính sách công cho học viên cao học Chính sách công của Học viện. 

3. Chức năng nhiệm vụ

3.1. Chức năng

- Giúp Giám đốc Học viện thực hiện chức năng quản lý hành chính, quản lý công tác giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo, quản lý cơ sở vật chất của Khoa.

- Trang bị kiến thức cơ bản về các lĩnh vực pháp luật trong quản lý kinh tế và kinh doanh cho sinh viên và học viên.

3.2. Nhiệm vụ

- Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, chủ trì tổ chức giảng dạy và đào tạo Pháp luật đại cương, Pháp luật kinh tế, Pháp luật kinh tế quốc tế cho bậc cử nhân.

- Quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn do Khoa quản lý.

- Tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ giảng dạy.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng theo yêu cầu.

- Xây dựng kế hoạch nghiên cứu triển khai và quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học, các hoạt động hợp tác quốc tế thuộc các lĩnh vực chuyên môn do Khoa quản lý.

- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong Khoa theo chủ trương của Giám đốc Học viện.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Học viện giao.

4Quá trình hoạt động

Trong quá trình giảng dạy, được sự đồng ý của Ban Giám đốc Học viện và sự phối hợp của các phòng có liên quan, Khoa Luật Kinh tế đã tổ chức cho sinh viên nghe các chuyên gia từ Bộ Nội vụ, Học viện Tư pháp,… nói chuyện chuyên đề về tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên hiện nay, đưa sinh viên đến thực tế tại một số phiên xử án tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Trong giai đoàn đầu thành lập (từ năm 2013 đến năm 2018), Bộ môn Luật kinh tế đảm nhận giảng dạy học phần Pháp luật đại cương và Pháp luật kinh tế cho sinh viên các khối ngành Kinh tế tại Học viện.

Tháng 9/2018, Học viện Chính sách và Phát triển đã triển khai Đề án mở ngành Luật kinh tế trình độ đại học, chuyên ngành Luật Đầu tư Kinh doanh.

Ngày 05/11/2018, Bộ GD&ĐT đã chính thức cho phép Học viện CS&PT đào tạo ngành Luật kinh tế trình độ đại học, chuyên ngành Luật Đầu tư Kinh doanh từ năm học 2019.

Ngày 22/7/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung đã ký Quyết định số 1089/QĐ-BKHĐT thành lập Khoa Luật Kinh tế trực thuộc Học viện.

Tháng 1/2020, TS. Nguyễn Như Hà chính thức được bổ nhiệm Trưởng Khoa Luật kinh tế.

Trong thời gian từ năm 2019 đến nay, Khoa Luật Kinh tế dần kiện toàn về tổ chức, chuyên môn hóa về các nội dung hoạt động, phân giao nhiệm vụ công tác, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học qua từng năm.

Năm 2022 đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Khoa khi nhân lực cơ hữu của Khoa chính thức bổ sung 05 viên chức sau kỳ thi tuyển dụng viên chức của Học viện gồm:

- 02 giảng viên Luật Kinh tế: ThS. NCS. Đặng Minh Phương; ThS. Luật sư. Hoàng Việt Hà;

- 03 giảng viên Luật Quốc tế: ThS. NCS. Nguyễn Tiến Đạt; ThS. Mai Phi Hoàng; ThS. Lương Mỹ Linh.

Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng học viện, Khoa Luật Kinh tế được thành lập 02 Bộ môn trực thuộc gồm: 1/ Bộ môn Pháp luật chuyên ngành và 2/ Bộ môn Pháp luật cơ sở và liên ngành.

Tháng 1/2023, Lãnh đạo Học viện đã trao quyết định giao nhiệm vụ Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Pháp luật chuyên ngành cho giảng viên ThS. NCS. Lưu Thị Tuyết và giao nhiệm vụ Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Pháp luật cơ sở và liên ngành cho giảng viên ThS. NCS. Nguyễn Tiến Đạt.

Năm 2023 tiếp tục ghi dấu những bước phát triển mới của Khoa Luật Kinh tế khi hoạt động đào tạo, khoa học có nhiều khởi sắc, các đề tài khoa học cấp cơ sở được bảo vệ đạt kết quả xuất sắc, sinh viên tham gia NCKH đạt giải Nhất cấp Học viện, các hoạt động thiện nguyện do Liên chi Đoàn Khoa tổ chức tại Hưng Yên, giải thể thao như Giải Cờ vua LAW-APD Paul Morphy, tọa đàm khoa học do CLB YJAC tổ chức liên tiếp diễn ra.

Tháng 7/2023, sau khi vượt qua đợt sát hạch của Học viện, Khoa Luật Kinh tế vui mừng tiếp nhận thêm 02 giảng viên chất lượng là: Giảng viên Luật Kinh tế - ThS. Nguyễn Thị Hương Giang & Giảng viên Luật Quốc tế - ThS. Phạm Thị Thanh Hoa.

Sau 04 năm tuyển sinh, Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển từ chỗ một đơn vị chỉ đào tạo các học phần đại cương cho sinh viên kinh tế, đã tuyển sinh thành công 04 khóa sinh viên chuyên ngành Luật, điểm tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước và thuộc top các đơn vị đào tạo luật phía Bắc. Chương trình đào tạo liên tục được điều chỉnh, cập nhật đảm bảo phù hợp thị trường lao động, sinh viên của Khoa tích cực tham gia các phòng trào văn nghệ thể thao, học tập và giành được những giải cao.

Hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học trong sinh viên và giảng viên sôi nổi qua từng năm, tới hết năm học 2021-2022, giảng viên của Khoa tham gia 01 đề tài cấp nhà nước; 02 đề tài cấp bộ; 08 đề tài cấp cơ sở; gần 40 bài báo tạp chí chuyên ngành, tham luận hội thảo trong nước và quốc tế; đặc biệt công trình sách chuyên khảo "Les enjeux juridiques du traitement des données: L'expérience vietnamienne" (NXB Éditions universitaires européennes, năm 2017 của TS. Nguyễn Như Hà, Trưởng Khoa Luật Kinh tế được công bố quốc tế và được trích dẫn khoa học.

Sinh viên của Khoa cũng giành được nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động đoàn thể như: Giải Nhất NCKH cấp Học viện năm 2023; Giải Nhì NCKH cấp Học viện năm 2022; Giải Nhì và Giải Ba Olympic Toán học viện năm 2020; Giải Ba Tin học văn phòng; Giải Triển vọng Cuộc thi Duyên dáng APD...

Nhóm thí sinh Khoa Luật Kinh Tế - Học viện Chính Sách và Phát Triển với đề tài “Nghiên cứu mô hình bầu cử trực tuyến và kinh nghiệm một số quốc gia” đã xuất sắc đạt GIẢI BA chung cuộc Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học EURÉKA toàn quốc 2023.

Sinh viên Khoa từng bước mạnh dạn tổ chức các hoạt động giao lưu khoa học và thể thao có sự tham gia của sinh viên đến từ các cơ sở đào tạo luật uy tín trong nước như: Tọa đàm khoa học "Góc nhìn pháp lý Cuộc khủng hoảng chính trị Hongkong" tổ chức năm 2020; Tọa đàm hẹp "Vấn đề pháp lý về Bản quyền vaccine COVID-19" tổ chức năm 2021; Tọa đàm khoa học "Pháp luật về đấu thầu và thực tiễn tại Việt Nam" tổ chức năm 2022; Tọa đàm "Hướng dẫn viết CV bằng tư duy pháp lý" tổ chức năm 2023...

Cuộc thi Hòa giải viên Thương mại quốc tế ICMC 2022; Giải Cờ vua Law-APD Paul Morphy 2022 & 2023; Giải Bóng đá Law Champion League 2020; ...

Sinh viên Khoa còn tích cực tham gia các hoạt động giao lưu với sinh viên quốc tế; học hỏi kinh nghiệm từ các luật sư, chuyên gia từ nước ngoài kết hợp các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện.

Chuyến dã ngoại chào K14 được tổ chức tại vùng đất Mai Châu, Hoà Bình với sự góp mặt của hơn 50 bạn sinh viên đến từ các khoá cùng các Thầy Cô giảng viên.


4. Liên hệ

Khoa Luật Kinh tế - Học viện Chính sách và Phát triển

- Địa chỉ: Phòng P.709 - Toà nhà Hiệu bộ, Học Viện Chính sách và Phát triển, KĐT Sudico Nam An Khánh, An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội.

- Email: khoaluatkinhte@apd.edu.vn                  - ĐT:  093.666.2943 (Cô Túc Vân)

- Fanpage: facebook.com/khoaluatkinhte_apd    - Website: http://apd.edu.vn/khoa-luat-kinh-te